HOTLINE 024.3996.6672 0984.492.618

Tư duy “hậu cần” không đủ kích thước để nói về logistics

Tư duy “hậu cần” không đủ kích thước để nói về logistics

Mặc dầu logistics đã du nhập vào VN ngót vài thập niên, đã xuất hiện trong Luật Thương mại (2005) với cái tên phiên âm khá ngộ nghĩnh: lô-gi-stíc! Tuy vậy, đến nay vẫn còn một số người, phương tiện truyền thông, đặc biệt các diễn đàn, hội nghị quốc tế mà người dịch vốn không phải là các chuyên gia trong ngành, đã sử dụng từ “hậu cần” để dịch nghĩa logistics, điều này trong thực tế đã gây nhiều ngộ nhận, vô tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò logistics cũng như trong nhận thức nhiều người, mà gần hai thập niên qua chúng ta đã cố gắng xác lập các kiến thức đương đại về logistics.

Trên thế giới, sức mạnh lan tỏa của thời đại logistics toàn cầu như vũ bão, nhận thức logistics của thời kỳ Cổ đại (Alexandre Đại đế), thậm chí thời kỳ những năm 50 (thế kỷ 20) ở Mỹ (và các quốc gia Tây Âu khác) mà “hậu cần” được dùng hầu hết trong quân đội, đến nay “hậu cần” không còn phản ánh đầy đủ ý nghĩa, chính xác và phù hợp với logistics ở thời kỳ CNTT hiện đại.

Ngay tại VN, hầu hết những nhà chuyên môn đều đồng ý rằng dùng từ “hậu cần” để giải thích logistics vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa về từ logistics hiện đại và do vậy giải pháp là hãy cứ để nguyên từ logistics trong ngôn ngữ nước ta, cũng như marketing, container…
Như vậy dùng “hậu cần” hay  logistics là một vấn đề “nóng” và thời sự, cần phân tích cặn kẽ sau đây.

HẬU CẦN” DỄ CÓ NHẬN THỨC VỀ LOGISTICS  Ở TẦM NHÌN HẠN HẸP

Trước khi Luật Thương mại 2005 ra đời, đã có nhiều đề nghị dùng từ  các từ như hậu cần, tiếp vận(có nghĩa là cung cấp và vận chuyển) hay kho vận giao nhận, thậm chí có trường hợp cho rằng đó cũng chính là vận tải, hoặc vận tải đa phương thức (!)… và cuối cùng ngay cả khi ngồi vào đàm phán quốc tế với các vấn đề liên quan đến logistics, chúng ta mới thấy rằng các hoạt động trên đây chỉ là các thành tố của  logistics. Chính xác hơn, logistics là một quá trình hoạch định, tổ chức và kiểm soát  một cách hiệu quả và hiệu lực các hoạt động như nói trên (vận tải, giao nhận, cung ứng, tồn trữ, hậu cần…) của dòng chảy nguyên liệu, hàng hóa, thông tin từ điểm bắt đầu đến điểm cuối cùng nhằm đáp ứng tiêu dùng.

Trong thực tế nước ta, cũng như các nước phát triển, “hậu cần” thường dùng nhiều nhất trong quân đội, tuy vậy trong dân gian đôi lúc vẫn sử dụng vào các lĩnh vực khác ngoài quân đội, như hậu cần của một sự kiện nào đó (như triển lãm, hội nghị…), hậu cần của một công việc, nghề nghiệp nào đó (như hậu cần nghề cá, hậu cần sau cảng), nhìn chung hậu cần là những công tác chuẩn bị vật liệu, mua bán, vận chuyển, sắp xếp, kể cả các mặt sinh hoạt khác… và như vậy ở trong phạm vi hẹp. Việc sử dụng hậu cần vào những hoạt động kinh tế, thương mại hoặc như một  nghề nghiệp, ngành kinh tế… chưa phổ biến và còn cá biệt.

Thời gian gần đây, điều đáng mừng là do nhận thức và truyền thông về logistics ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới trẻ nước ta hiện nay, việc sử dụng logistics vào các lĩnh vực mới mẻ thí dụ như bán hàng qua mạng, các website… được giao cho các công ty logistics, đó là những đơn vị chịu trách nhiệm giao hàng (theo các đơn hàng) và thu tiền cho các nhà bán buôn, bán lẻ. Công việc này thật sự mới mẻ nhưng tại các nước phát triển đó chính là các 3PLs (các nhà cung cấp dịch vụ logistics) thuê ngoài.

Trên thực tế, các công ty làm dịch vụ logistics khi đăng ký kinh doanh đã có dịch vụ logistics với một mã ngành nghề được quy định cụ thể cho nghề nghiệp của mình; các báo chí, phương tiện truyền thông cũng sử dụng từ logistics mà không cần phải dịch hoặc phiên âm; các  cơ quan quản lý, hải quan, thuế vụ… đều sử dụng logistics trong các nghiệp vụ của mình, các doanh nghiệp, nhân viên kinh doanh đã rất tự tin khi nói về dịch vụ logistics không còn mới mẻ, gượng ép  như ngày nào. Vậy thì không còn lý do gì nữa để dùng từ “hậu cần” gây nhiều ngộ nhận và với ý nghĩa hạn hẹp để thay cho logistics.!

Thực ra quá trình nhận thức về logistics không đơn giản. Ngay tại Mỹ là một quốc gia đi đầu về phát triển quản trị logistics, không phải chỉ một từ duy nhất logistics mà còn được hiểu thông qua rất nhiều từ khác, thí dụ physical distribution management, material management, business logistics, integrated logistics, supply chain management… Còn tại Nhật, trước khi biết đến logistics hiện đại như ngày nay  người Nhật đã có mô hình và khái niệm KANBAN và sau này là JUST IN TIME.

Như trên để thấy thấy rằng, việc sử dụng hậu cần tại VN là một quá trình nhận thức có tính chất giai đoạn lịch sử, đến nay nó phải được điều chỉnh để phù hợp với bản chất của logistics và với thế giới ngôn ngữ đương đại.

“HẬU CẦN” HẠ THẤP VAI TRÒ PHÁT TRIỂN LOGISTICS!

Logistics, như Peter F. Drucker, cha đẻ ngành quản trị học hiện đại, đã tiên đoán “Logistics là nguồn động lực cho đổi mới và cơ hội mới mà chúng ta chưa hề chạm đến. Đó chính là “thềm lục địa tiềm ẩn” của cả nền kinh tế”.

Logistics ngày nay phải giải quyết cùng lúc ba dòng chảy quan trọng và cốt yếu của nền kinh tế thế giới đó là dòng chảy vật chất, dòng chảy tài chính (vốn) và dòng chảy thông tin. Nếu có một giải pháp hiệu quả và hiệu lực nhất để kiểm soát ba dòng chảy trên trong doanh nghiệp cũng như tại mỗi quốc gia đó chính là dòng chảy logistics mà mục tiêu cuối cùng giúp con người tiết kiệm được tài nguyên, nguồn lực và hường thụ đúng lúc, đúng nơi, đúng chi phí, chất lượng và giá cả.

Thách thức logistics toàn cầu lớn nhất vẫn là sự tắc nghẽn cũa 3 dòng chảy trên. Đâu đấy chúng ta vẫn thấy phân phối vật chất vẫn còn cách biệt, nơi đầy tồn kho, nơi thiếu thốn  tài nguyên, chi phí logistics cao và đói nghèo, đáp ứng và sự hài lòng của khách hàng vẫn còn là khoảng cách!

Tại VN, Nhà nước đã nhận thức được vai trò quan trọng của logistics trong việc phát triển kinh tế đất nước, xem logistics là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy kinh tế phát triển. Bằng nhiều các quyết sách và hội nhập logistics khu vực, quốc tế trong thời gian qua, tuy đi sau các nước phát triển nhiều thập kỷ, năng lực thực hiện logistics (LPI) nước ta những năm gần đây đã có bước phát triển khá tốt, xếp thứ hạng trung bình – khá tại khu vực và thế giới. Đạt được kết quả trên là do chúng ta đã nắm bắt được xu thế và nhận thức rõ vai trò logistics trong thời đại ngày nay.

Chúng ta nên dừng lại việc nhận thức logistics bằng khái niệm “hậu cần”, bởi vì  tư duy hậu cần sẽ không đủ kích thước về một logistics toàn cầu với nhiều khám phá mới mẻ và thách thức, kết quả là sẽ hạn chế sự đóng góp năng động của logistics vào việc phát triển kinh tế đất nước.

TRÁCH NHIỆM TRUYỀN THÔNG LOGISTICS

Việc nhận thức, truyền thông logistics không đầy đủ, gây những ngộ nhận và mơ hồ về logistics, hạn chế tư duy logistics, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành, trách nhiệm của các phương tiện truyền thông, đào tạo và của các hiệp hội ngành.

Ý thức về vấn đề này Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt nam (VIFFAS) đã  coi trọng việc đổi tên thành Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt nam (VLA), xem đây không chỉ  là việc đổi mới đơn thuần về cái tên mà là  bước ngoặc quan trọngvới một chức năng, mục tiêu và tầm nhìn mới phù hợp thời đại. Chắc chắn với trách nhiệm của mình, Hiệp hội và các cơ quan truyên thông, đào tạo trực thuộc hiệp hội, nghiêm túc và thông nhất trong việc  tuyên tuyên, nhận thức logistics cho hội viên bằng việc  sử dụng từ logistics trong mọi trường hợp có liên quan và ngưng ngay việc sử dụng từ “hậu cần” để giải thích về logistics.

Các cơ quan báo đài, phương tiện truyền thông, đào tạo huấn luyện, kể cả các cơ quan quản lý ngành, chủ hàng cũng cần thấy rằng việc sử dụng logistics để nhận thức về logistics, để trao đổi trong phạm vi nghề nghiệp là việc làm đúng đắn, phù hợp pháp luật nhà nước cũng như làm giàu kho tàng ngôn ngữ VN.

“Hậu cần” thì dừng lại còn logistics (chứ không phải lô-gi-stíc!) sẽ tiếp tục đi tới phía trước, đó là điều cần khẳng định!

Theo Logistics Việt Nam